Sunday 2 October 2011

Paris có gì lạ không Thái?

Thái, hai vợ chồng mày rời Paris cũng hơn 7 năm rồi, không biết tụi mày còn lưu luyến thành phố này không? chứ riêng tao thì Paris luôn đẹp và có nhiều kỷ niệm không quên được với mày và Minh Trang sau này. Tao nghĩ lại thời Đệ Nhị Thế Chiến, trước khi đoàn quân Đức Quốc Xã phải bỏ của chạy lấy người vì quân đội đồng minh sắp vào giải phóng Paris, thì tên Hitler ra lệnh là đặt chất nổ hết tất cả các danh lam thắng cảnh của Paris, trước khi thua trận hắn phải phá hũy hết mọi thứ để bỏ tức. May quá các chỗ châm ngòi pháo nổ bị tịt ngòi, bom không nổ được, nên thành phố Paris mới còn nguyên vẹn tới ngày hôm nay.

Mày và cũng như nhiều người khác được nghe qua câu “Paris là Kinh Đô Anh Sáng”, trong đám bạn học mình có thằng Đoàn Minh Hiệp, còn gọi là Hiệp Bu, nó ở tận bên Uc Châu, viết thư cho mày để mong ước ngày nào đi Kinh Đô Anh Sáng mà thăm mày. Tao không biết đến giờ nó đặt chân tới Paris chưa? và chuyện muốn gặp mày tại Paris bay gio là chuyện hi hữu. Người Anh gọi Paris là “City of Lights”, trong đây có hai ý nghĩa, một là thành phố này là vị trí trung tâm văn hóa, trí thức, nghệ thuật, văn nghệ.... thì đúng là ánh sang muôn màu chiếu tỏa khắp nơi. Còn ý nghĩa thứ hai là cuối thế kỷ thứ 17 trung tướng cảnh sát đầu tiên của Paris Gabriel Nicolas de La Reynie ra lệnh thắp sáng những khu vực công cộng nhiều tệ nạn của thành phố. Vậy Paris cần nhiều ánh sáng để bắt trộm cướp, mà xem ra chuyện dẹp trộm cướp không dễ. Đến giờ bọn du mục Rumani vẫn tới Paris, hồi mày còn ở đó thì tụi nó chuyên đi lau kính xe hơi, giờ thì xem cái nghề đó ăn hết được, tụi nó chuyển qua nghề mới là làm hội từ thiện. Tao không biết tụi nó đi lượm đâu một tờ giấy quyên tiền, với đầu đề là giúp đói trẻ em trên thế giới của UNICEF, rồi tụi nó chia từng nhóm đi rà rà các khu du lịch xin tiền. Tao đứng trước rạp hát OPERA chụp hình, có con bé độ 14 tuổi đứng xin tiền tao, lúc đầu tao đuổi nó đi vì tao không ưa các trò xin tiền này. Vậy mà sau cùng tao phải chịu thua vì tính lì lượm của nó vì nó cứ che cái ống kính chụp hình của tao, hễ tao đi qua bên trái nó cũng đi, tao qua bên phải nó cũng qua, tao lùi phía sau thì nó lại tiến tới mà cái miệng nó không ngừng xin tiền. Vậy mà khu 13 giờ cũng có mánh xin tiền, nếu mày vừa đậu xe, thì có một ông chạy ra múa vé đậu xe, ông ta cứ loay hoay như mua vé không được để đợi mày đi tới là có câu chuyện, thiếu một vài Euro nên mua vé không được, nên xin tiền, trong một ngày mà xin được 20 người là có phở, cà phê, bánh mì ... no bụng phải không mày.

Đếm trên đầu ngón tay thì tao đến Paris đã được 40 lần, hơn một nửa là qua chơi với mày, tụi thằng Minh, Trí, đi thăm Bích Dung và Lan Hương. Phần còn lại là tao dắt đoàn Việt Nam từ London qua Paris. Nghe đi nhiều như vậy, thế mà tao vẫn chưa đi hết ngõ ngách của Paris, nhiều nơi tao cần phải đi cho biết. Có một điều tao không bao giờ nghĩ tại sao có chữ PARIS? để bớt dài dòng, tao mượn lời giải thích của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

« Paris » xuất phát từ tên gọi những người Parisii bộ tộc Gaulois. Năm 52 trước Công Nguyên, khi người La Mã tới, họ gọi khu vực này là Lutetia hay Lutetia Parisiorum. Khoảng năm 300, Lutetia được đổi tên thành Paris, lấy từ chữ « Civitas Parisiorum » - có nghĩa Thành của người Parisii. Còn nguồn gốc tên những người Parisii vẫn chưa được chắc chắn. Hiện nay, ở Paris cũng có một khách sạn nổi tiếng mang tên Lutetia.

Cùng với Venezia, Paris còn được ví là « Thành phố của tình yêu ». Những người yêu thích Paris cũng nói: Chỉ cần thêm hai chữ cái, Paris trở thành thiên đường. Trong tiếng Pháp, thêm hai chữ a và d, Paris thành Paradis, có nghĩa là thiên đường. Từ « parisien » trong tiếng Pháp là tính từ của Paris, cũng là danh từ để chỉ những người dân của thành phố này. Ngoài ra, « parisien » còn là một từ lóng được các nhà văn của thế kỷ 19 như Victor Hugo, Eugène Sue hay Balzac sử dụng rộng rãi và còn phổ biến cho tới thập niên 1950.

Một tên gọi thân mật khác của Paris là « Paname » từ đầu thế kỷ 20 khi những chiếc mũ panama phổ biến. Bắt đầu bởi các công nhân đào con kênh Panama, loại mũ này rất thịnh hành ở Mỹ và châu Âu. Rồi đến Paris, tất cả đàn ông đều đội một chiếc panama và nó thành một tên gọi cho thành phố. Cũ hơn nữa, Paris và một trong các ngoại ô là Pantin được gọi lóng là « Pantruche » theo tên công ty tổ chức lễ hội Carnaval của Paris: Compagnie Carnavalesque Parisienne « les Fumantes de Pantruche ». « Parigot » cũng là một từ lóng để chỉ những người Paris, nhưng từ này ít nhiều mang tính châm chọc, chễ giễu.

Tao qua Paris lần này theo tính cách vui xuân, cố làm sao thu hết các hình ảnh Paris vào cái máy hình của tao, nhưng phải nói 2 ngày đi chụp hình tại Paris là không nổi, bắt buộc phải quay lại trong tương lai. Vì cũng ý định chỉ chụp ảnh, nên tao cũng không liên lạc với bạn bè tại Paris, thêm nữa vợ chồng mày không còn ở Paris, giờ có kêu ra cũng chẳng còn vui như ngày xưa, thành ra tao bỏ qua việc hợp mặt luôn. Phải nói khi thật sự say mê chụp ảnh, thì việc đi vòng Paris trở thành chuyến đi thám hiểm. Càng đi càng thấy cái hấp dẫn của thành phố này, nhất là khi chọn chủ đề “Streets Photography” mới nhận thấy con người khắp 5 châu ghé đến “Kinh Đô Anh Sáng”. Các địa điểm tao từng đi với mày trước kia như Hotel De Ville, Nhà Thờ Đức Bà, St Michel, Chatele, Opera... thì đâu có gì lạ, nhưng cái thú là đi từ ngõ này qua ngõ kia, mới có cảm giác thật sự là “I have walked over Paris”.

Đối với những người Việt Nam từ nước ngoài đến Paris, thì vẫn không thể bỏ được quận 13. Mặc dù ở tại đó chẳng có gì để chơi cả. Họ chỉ tới để ăn, mà cũng phải nói toàn Châu âu thì chỉ có quận 13 còn có tô Phở đúng ý, tuy là thua Phở tại Mỹ, Uc và Canada, xem ra vẫn còn ngon hơn Anh Quốc, Đức và các quốc gia tại Đông âu. Nếu ai chưa đến thăm quận 13 trong 10 năm qua thì xem chừng không có gì thay đổi cả. Chỉ có khác là Pháp quốc giờ là thành viên của cộng đồng Châu âu thì tất cả các siêu thị và cơ quan nhà nước không được phép mở cửa sau 1.30 trưa ngày Chủ Nhật. Bởi vậy chiều Chủ Nhật tại quận 13 không còn tấp nập như xưa. tất nhiên các quán ăn vẫn mở bình thường. Có quán trở nên làm ăn phát tài không thể ngờ như quán Phở 14, lúc nào cũng có một hàng dài gần 20 người để đợi chỗ vào ăn. Phần đông đứng đợi là người Pháp. Đi tiếp về hướng Place de Italie thì có một vài tiệm mở. Đặc biệt có tiệm Phở 13 làm thức ăn rất ngon miệng, số khách hàng vào ăn đông đảo nhưng vẫn chưa hạ nổi Phở 14. Đi lần này mãi lo chụp hình nên tao không ghé qua Thúy Nga , tiệm sách Nam á để xem có gì thay đổi không? Nhưng đoán là không quá vì tất cả văn hóa Việt Nam giờ tập trung tại Little Saigon hết rồi. Còn tiệm bánh mì thịt vẫn tấp nập, người người xếp hàng đi vào mua bánh. À loại buôn bán vĩa hè tại quận 13 đông đảo hơn xưa, trước cầu thang đi lên tiệm nhạc Thúy Nga là người Việt, Tàu, dân da màu.... đem hai cái thùng cartoon làm thành cái bàn, người thì bán đĩa DVD phim lậu, người thì bán đồ trang sức giả, người thì bán bánh Việt nam... nhìn thì không khác kinh doanh vĩa hè tại Sài Gòn. Đời sống khó khăn, con người phải tìm kế sinh nhai, tại thế giới tây phương loại buôn bán này bất hợp pháp nhưng tại nhiều quốc gia chậm phát triển thì đây là loại buôn bán có tầm vóc quan trọng vì đã giải quyết không biết bao nhiêu việc làm cho người dân tại Việt nam.

Paris là nhiều thành phố có thắng cảnh đẹp, người ở lâu như mày thì không còn gì lạ với các hình ảnh đó. Có một điều mày nghĩ lại là có những nơi mày đi ngang qua trên cả 100 lần nhưng chẳng bao giờ mày chụp một tấm ảnh nào kỷ niệm cả, sau đó đi xa lại hối tiếc. Như tao kể là nhiều lần ghé Paris, vậy mà chưa bao giờ tao chụp tấm ảnh tại rạp hát Opera, mà cái tại Paris đồ sộ tao chẳng ngắm cho kỹ mà tao lại đi Hà Nội xem cái rạp Opera mà còn nghe đứa hướng dẫn viên ngồi quảng cáo cái rạp hát tại Hà Nội xây giống như cái của Pháp. Tao bảo đảm cái thằng dẫn đoàn của tao tại Hà Hội chưa bao giờ hiểu được cái Opera ở Paris.

Trước kia mỗi lần đi bộ với thằng Minh, đi ngang qua trạm Metro Montparnasse là thằng Minh cứ hỏi tao là lên đây chưa? Tao luôn nói chưa. Lần này nghĩ đi nghĩ lại là tao phải đi vì không đi quả là thiếu xót, thế là tao khệ nệ xách hai cái máy hình, ngồi thang máy lên tòa cao ốc Montparnasse, có chiều cao 210m, tao đứng chụp hình hết vòng tròn Paris. Tao đồng ý đứng cao nhìn Paris thấy đẹp lắm chứ, khó mà có thành phố nào mà ăn dứt được Paris.

Vào chiều Chủ Nhật, tao tiếp tục xách máy ảnh đi tới trung tâm nghệ thuật Pompidou. Năm 1981 là lần đầu tiên tao đã ghé qua, tao chỉ biết đó là cái nhà kính, để làm gì thì chẳng biết. Đến năm 1988, qua chơi thăm mày, lúc đó mày phải đi làm ở một siêu thị, tao không biết làm gì, lại đi lên đó chơi. Cho đến năm 1990, thằng Duy từ Mỹ qua chơi, tao lại đưa nó lên trên đó, ngồi uống cà phê và hút thuốc lá. Cả ba lần vào chơi tao chẳng hiểu nghệ thuật gì trong đó cả và lần này tao lại đến, khác với ba lần trước là phải mua vé vào coi triễn lãm. Tao cũng vào, tao thấy đề một hàng chữ Accrochage "Histoire de l'Atelier Brancusi” tao nhìn chẳng hiểu gì hết nhưng cứ mua vé vào xem như thế nào. Mà quả thật tao chẳng hiểu chút nào về hội hoạ, tao nhìn thì cứ nhìn, ai hỏi thì tao nói đẹp cho ăn chắc , còn không thiên hại nói tao dốt thì quê lắm, tuy nhiên tao cũng cố cầm máy ảnh bấm lien tục để đỡ uổng tiền.

Paris có nhiều cái đẹp nhưng lại không có duyên với bọn mình là không có ai sống được bên đó cả. Mày là hay lắm là ở trên cả chục năm. Còn lại tất cả bọn tao như là cỡi ngựa xem hoa, đi Paris thì ham đi, hỏi ở không thì lắc đầu nói Không liền tại chỗ.Có đều đây là nơi tập trung nhiều tinh hoa thế giới. Cái thích nhất là ăn, phải nói thức ăn làm tại Paris ngon thật. Trưa thứ bảy tao ngồi ở quán ca phê tại khu La Fayette, tao kêu một đĩa bánh mì Sandwich, nhìn vào giá cả là 15 Euro một đĩa, tao thấy hơi chóng mặt, them một ly ca phê nữa là 7 Euro, tao chóng mặt hơn nữa, nhưng khi ngồi ăn Sandwich, tao phải khen thằng đầu bếp, vì nó nướng bánh mì tuyệt vời, từ nhỏ đến lớn tao chưa bao giờ được ăn miếng Sandwich nướng ngon như vậy, thằng bếp này đúng là cao thủ. Sau đó tao đi xe về Hotel De Ville, đi bộ qua Nhà Thờ Đức Bà , sau đó tới những con phố St Michel, tao có đôi phần nhớ lại chuyện xưa là mới hôm nào tao, mày và thằng Duy đi bộ tại đây, sau đó lên khu Chatele , để cho thằng Duy thưởng thức món Beef Steak của Pháp. Xem ra ngày hợp mặt lại như vậy khó mà xảy ra được.
Thành phố Paris vắng vẻ vào tháng 8 vì người Paris đi nghỉ hè khắp nơi, sự đi lại không bị tắt nghẽn , nhất là năm nay Châu âu không có mùa hè, thời tiết không có nhiều ngày oi bức, nên đi bộ tại Paris rất là dễ chịu. Nhất là chính phủ khuyến khích mọi người nên tập thể dục, nên thế hơn 4 năm trước thành phố Paris đã xây những trạm để xe đạp, ai muốn thì tiền ra thuê để đạp vòng vòng thành phố. Cũng nhờ đó hơn 1 năm qua London đã bắt chước xây nhiều trạm xe đạp như là Paris.
Thôi thư đã dài tao thấy làm biếng rồi, tao không muốn kể cho mày nghe nữa. Thôi hai vợ chồng mày vào một dịp nào đó về Paris chơi đi nha. Lúc đó tao đưa tụi mày đi Disney Land chơi.

No comments: