Sunday 2 October 2011

Trường Việt Ngữ Tại Hải Ngoại

Làm sao duy trì được trung tâm dạy tiếng Việt cho các em Việt Nam thuộc thế hệ II và III tại hải ngoại là nổi ưu tư của tôi hiện nay. Hơn cả năm nay tôi rán tìm một câu trả lời mà không tìm ra được. Tôi cứ như một người đi trong đường hầm đen tối và sẽ không bao giờ thấy một ánh sáng le lói nào cả. Nghe thật bi quan, nhưng sự thật là vậy, tuy nhiên tôi luôn đưa ra câu hỏi cho chính cá nhân tôi là mình có bỏ cuộc không? vẫn cố duy trì những gì đang còn để rồi hy vọng mai nay được tươi sáng hơn và hiện giờ tôi đơn thân độc mã giữ một trung tâm dạy tiếng Việt ở miền đông London, mở cửa mỗi tuần vào chiều thứ Bảy từ 2 giờ đến 5 giờ. Ba thầy cô giáo dạy học, được ăn lương chính quyền địa phương và chỉ có 15 em tới học mà thôi.
So với cộng đồng Việt Nam tại Cali và Uc châu thì cộng đồng Việt Nam tại London rất èo uột. Vào cái thời kỳ thịnh nhất của thế hệ 1 Việt Nam tại London thì lên đến 10 trung tâm dạy tiếng Việt và mỗi trung tâm có khoảng 100 em đến học. Vì thành phố London này thuộc loại đa văn hóa và đa sắc tộc nên chính quyền của từng quận luôn có quỹ giúp cho dân tộc thiểu số về văn hóa, tổ chức lễ phong tục cổ truyền. Nhưng thời gian trôi qua, những người có nhiệt tình với cộng đồng đã thấm mệt, tuổi tác chồng chất họ bước dần vào bóng tối. Vì nguyên nhân thiếu nhân lực, các trung tâm Việt ngữ tại London đóng cửa dần và các trung tâm còn lại ngày càng ít học sinh Việt Nam đến học.
Các phương pháp hoạt động và tổ chức trường tiếng Việt tại nam Cali của anh Thiệu và thầy Hoàng rất hợp ý tôi. Những việc các giáo viên bên đó làm là đúng phương hướng duy trì một trung tâm Việt ngữ. Có một điều tôi choáng váng mặt mày là nghe một con số quá đông học sinh Việt Nam đi đến 80 trung tâm Việt ngữ. Đây là một lợi thế có thể để phát triển chứ khoang nghĩ việc tồn tại. Có thể những ý kiến sau của tôi không thực tế vì tôi dựa vào sinh hoạt tại London mà đem áp dụng tại Hoa Kỳ thì khác phong thổ rồi, nhưng tôi cũng cứ nói ra thử biết đâu có sự trùng hợp.

Nay con em chúng ta sanh và lớn lên tại xứ người, xem như một phần linh hồn của các em đã thuộc mảnh đất này. Vậy chúng ta phải có ý nghĩ là đem sinh hoạt của chúng ta vào giòng nước chính (mainstream), để diễn đạt rõ ý tôi hơn là tiếng Việt đã được đã được xem ngôn ngữ thứ hai và có giờ chính thức dạy trong trường trung học tại nam cali chưa? khi các em vào đại học thì tiếng Việt được tính điểm như một unit chưa và bộ giáo dục Hoa Kỳ có chịu xuất bản một curriculum cho ngôn ngữ Việt nam không? Tôi nói vậy là nơi tôi cư ngụ và làm việc rất đông dân Bangadesh, có những trường tiểu học tôi thấy đến 90% là các em thiếu nhi Bangadesh. Khi các em đến trường chính qui thì các em vẫn học bình thường, nhưng đến giờ tan học là có những ngày các em ở lại thêm 1 tiếng học tiếng mẹ đẻ và cuối tuần các em đến trung tâm riêng của mình học tiếp tiếng của mình. Vì lối sinh hoạt điều đặn như vậy thì các em cảm tiếng mẹ đẻ là một môn học và sau này sẽ được tính một bằng cấp vào đại học.

Hoa kỳ là một liên hiệp chủng quốc, tôi nghĩ tại vùng nam Cali cũng có những sắc tộc khác, tôi nghĩ nếu mình tạo ra một hệ thống second language network thì như vậy sẽ có nhiều lợi ích. Như bên London, hàng năm vào tháng 2, là có một ngày International Language Day, các trung tâm dạy tiếng mẹ đẻ như Tàu, Pakistan, một số quốc gia bên Phi châu, Bangadesh, Ân độ, Việt Nam.... là tới biểu diễn một chương trình văn nghệ bằng tiếng xứ mình, thì như vậy các em học sinh cảm thấy niềm tự hào về ngôn ngữ mẹ đẻ.

Tôi có một suy nghĩ và các trung tâm của người đông âu dạy tiếng Nga, Ba Lan, Tiệp... cho các em thiếu nhi họ đã áp dụng phương pháp này là một trung tâm của họ không thuần về mặt dạy tiếng mẹ đẻ mà còn có những hoạt động khác như dạy nhạc, dạy vũ, dạy toán, dạy computer... thì như vậy trung tâm mở cửa từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Phương pháp này tốn kém vì phải cần nhân lực và tài lực, nhưng tôi nghĩ vẫn có thể làm được nếu chúng ta thành lập ra được một hệ thống giáo dục của người Việt. Tại nam Cali đã có Hướng Đạo, gia đình Phật tử, Cộng đồng thiên chúa giáo trong đó có ca đoàn và các trung tâm Việt ngữ thì mình cần phải ủng hộ nhau để phát triển và sinh tồn. Chúng ta đã đến giai đoạn không thể hoạt động cá thể nữa, nhưng chúng ta vẫn hoạt động theo tính cách độc lập của từng hội đoàn, trung tâm nhưng phía sau chúng ta là một Network có tính cách ủng hộ cho nhau khi gặp khó khăn.

Các em Việt Nam mình miệng luôn nói là bị ép buộc đi học, có một lần tôi cho các em ngồi xuống tự viết ra những cảm nghĩ tại sao phải cần đi học tiếng Việt thì phải nói đến 100% không em nói bị ép đi học cả mà đều nói việc học tiếng mẹ đẻ là cần thiết. Tôi bắt đầu dạy tiếng Việt vào năm 1987, những em học trò thời đó của tôi nay đã trên 30 , một số em có gia đình và con cũng đã đủ tuổi đi học tiếng Việt. Hồi đó các em cũng không chịu học tiếng Việt, tới cũng cho có lệ, nay các em gặp lại tôi thì xin lỗi đã làm một đứa học trò làm biếng. Tôi có hỏi các em một câu là nếu tiếng Việt được sử dụng rộng rãi như tiếng Anh thì các em có chịu khó học không? các em cười nói thì phải học thôi. Như vậy người nào mạnh làm vua phải không? Thật ra mà nói siêng học không phải là chuyện dể dàng, khi các em dùng từ ép buộc chẳng qua là thay thế sự làm biếng mà thôi.

Hiện giờ trong cộng đồng chúng ta thiếu những người làm trong nghành nghề như sau: Nhân viên công đồng (community worker), Nhân viên xã hội (Social worker), Nhân viên thanh thiếu niên (Youth worker) và giáo viên (Teacher) vì những người này là nguồn nhân lực quan trọng để phát triển một trung tâm tiếng Việt, vì họ sẽ bỏ những thời gian làm việc về gây quỹ (fund raising), lập những chương sinh hoạt, thăm viếng hỏi thăm (outreach work) tại sao các em không đi học? tìm hiểu khi các em đang đến tuổi trưởng thành. Họ là chìa khóa chính giúp đỡ ban lãnh đạo của trung tâm về mặt phát triển.

Tôi chỉ nói đến đây, vì nói tiếp sợ nhiều thứ không thích hợp vì hai quốc gia khác nhau, tuy là Mỹ và Anh quốc như là xác và linh hồn, có điều vẫn có những sự dị biệt. Tôi hy vọng sẽ có nhiều thành công cho các trung tâm Việt ngữ tại nam Cali.

No comments: