Thursday 17 November 2011

Summer of Love – Mùa Hè Của Tình Yêu

Phong trào Hippy bắt đầu từ năm 1967 là vì có một đại hội nhạc trẻ mang tên là "Montery Pop Festival" tổ chức trong 3 ngày là 16, 17 và 18 tháng 6 năm 1967 tại quận Monterey, phía bắc tiểu bang California, cách San Francisco không xa. Vì đại hội này tổ chức vào mùa hè nên còn tên gọi là Summer of Love (Mùa Hè Của Tình Yêu). Người điều hành hãng đĩa nhạc Dunhill Record đứng ra tổ chức là Lou Adler và thêm một thành viên của ban nhạc The Mamas & the Papas là John Phillips. Tư tưởng tổ chức là họ thấy qua một đại hội nhạc Jazz đã tổ chức tại Hoa Kỳ. Nay họ muốn cho thấy sức mạnh của nhạc Pops. Nhiều danh tài nhạc Pop đã tham dự vào đại hội Hippy này như là The Doors, Grateful Dead, Jefferson Airplane, Quicksilver Messenger Service, The Jimi Hendrix Experience, Otis Redding, The Byrds, và Big Brother and the Holding Company với Janis Joplin.

Ngày đầu tiên của đại hội có 30 ngàn người đến tham dự cho đến ngày cuối lên đến 60 ngàn người. Bài hát tiêu biểu nhất là bài "San Francisco (Be Sure to Wear Flowers in Your Hair)" do John Phillips of viết và ca sĩ Scott McKenzie đã trình diễn.

“ If you're going to San Francisco,
be sure to wear some flowers in your hair...
If you're going to San Francisco,
You're gonna meet some gentle people there"

Thành phố San Francisco được xem là cái nôi của cách mạng Hippy, cùng lúc đại hội Montery Pop, gần 100,00 người tập trung tại khu Haight-Ashbury, để tạo ra một ý tưởng chống đối văn hóa và chính trị. cũng từ đó đã kéo dài một loạt Hippy qua các thành phố như New York, Los Angeles, Philadelphia, Seattle, Portland, Washington, D.C., Chicago, Miami, Montreal, Toronto, Vancouver, và qua tận Châu Au. Khi số lượng Hippy lên đến cực điểm tại khu Haight-Asbury, họ từ từ lan tràn qua khu Berkerly and San Francisco Bay. Họ tạo ra một đợt sống khác biệt tại khu Golden Gate Park là đời sống cộng đồng nhưng mỗi thứ là miễn phí như các gian hàng cho quần áo cũ, thức ăn miễn phí, khám bệnh không mất tiền, yêu nhau không tốn kém có nghĩa “Chàng khỏi phải tán nàng, không phải đi mua quà tặng, gặp nhau là thích nhau, rủ nhau lên giường, rồi sống chung với nhau, khi không còn thích nhau thì Stop” như vậy không tốn tiền cưới hỏi và ăn uống nhà hàng. Chương trình “Summer of Love” đã thu hút mọi giới từ tuổi “Sì Tin”, sinh viên đại học, người đi du lịch, người trung niên. Nhưng cho đến lúc khu Haight Ashbury chứa người quá tải đi đến sự tệ đoan là hút sách, ăn cắp đồ, dơ dáy vì làm sao đủ nhà cầu vệ sinh , tắm rửa, chưa kể thành phần vô gia cư đến ăn theo. Cái lý tưởng dần dà mất đi. Các sinh viên cảm thấy vui chơi mùa hè như vậy đã đủ, họ quay lại học đường thì mọi thứ từ từ tan biến và khu Haight Ashbury giờ là một di tích lịch sử, cho du khách 5 châu đến thăm viếng, chụp một tấm ảnh kỷ niệm để nhớ lại thời “Yêu vội sống cuồng” của tuổi trẻ thập niên 60.

Một hình tượng sử dụng khá phổ biến của Hippy là “Flower Power” (Sức mạnh của hoa). Đây là một hình ảnh chống chiến tranh Việt Nam, bắt đầu vào năm 1965 từ khu Berkerly California. Bắt đầu là từ nhà thơ Allen Ginsberg, một thế hệ về giong thơ “Beat” của thập niên 60. Ong đã biến chuyển thơ của ông thành trào lưu phản văn hóa. Tư tưởng “Flower Power” của ông phản đối chính trị đòi quyền tự do, quyền của những kẻ yếu - nhất là những người đồng tính luyến ái, chống nhà nước cảnh sát Mỹ, chống Chiến tranh Việt Nam và chống bom hạt nhân. Allen đã trở thành một thần tượng của dân Hippy, ông như người dẫn đường tinh thần, một Đạo sư của những kẻ "rời bỏ”. Năm 1966 ông đã tung ra tờ báo “The Oracle”, đến năm 1968 số lượng báo bán ra là 100 ngàn tờ, với các bài viết bên vực cho Hippy, tờ báo đầy màu sắc nghệ thuật nhất là màu “psychedelic” được giới trẻ ưa chuộng. Nên vậy quần áo Hippy rất là loè loẹt đầy màu hoa.

“Flower Power” cũng tượng trưng sức mạnh hòa bình. Một hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí mọi người là cô gái đi gắn một bong hoa vào mũi sung của một quân nhân đang thi hành nhiệm vụ giữ trật tự trong cuộc biểu tình chống chiến tranh Viêt Nam.
Một câu nói rất là thông dụng trong giới Hippy là “Make Love Not War”, một cách chơi chữ, là “Tạo tình thương yêu không tạo chiến tranh” hay là “ Làm Tình không chiến tranh”. Với sự lẫn lộn như vậy nên Hippy bị đánh giá là một cuộc sống thác loạn không có một định hướng nào cả.

Còn phong trào Hippy Việt Nam thì chẳng có một tư tưởng gì cả. Có thể nói thành phần con nhà giàu Sài Gòn muốn bắt chước cách ăn mặc của sinh hoạt Hippy và để tóc dài. Rủ nhau đi nhảy nhót và hát nhạc ngoại quốc. Lúc đó các loài hoa Hippy nổi đầy đường phố Sài Gòn. Đi đâu cũng thấy Hoa, nở tùm lum , trên quần áo, xe Honda, xe PC50, trên xe hơi vào đôi khi trên xe bò và xe ba gác. Thậm chí có Hoa nở trên dép Nhật, trên gọng kính, trên tóc trên tai. Hoa nở chỗ nào được là nở không cần ngày giờ và năm tháng. Giống như câu “Trăm hoa đua nở”. Hình ảnh bông hoa hippy 5 cánh đủ màu đủ sắc với nhụy tròn trở thành quen thuộc tại Sài Gòn. Từ đó có chữ “Hippy Choai Choai”, rồi “Hippy bụi đời”, thêm nữa nhiều cô cậu nhà quê VN cũng muốn thành Hippy, ăn mặc thời trang không giống ai nên bị gọi là “Hippy Yaourt”.
Thật ra lúc đó VN trong thời gian chiến tranh nên sự xuất hiện của Hippy Việt nam có thể nói hơi vô duyên chứ họ chẳng phải thành phần phản chiến như Hippy tây phương. Nghĩ lại lúc đó nhiều người trai trẻ phải đi nhập ngũ , ra các chiến trường khói lửa như Khe Xanh, Mùa Hè Đỏ Lửa... sống với bom đạn không biết sống chết, khi trở về thành phố nhìn các thanh niên nam nữ ăn mặc diêm dúa, loè loẹt, tóc thanh niên để dài, có những người trông thật bệnh hoạn. Các cô gái mặc Mini – Jupe cũng cởn lo đi nhảy “Bùm” thì hình ảnh đó quả thật là ngứa mắt , dễ đi đến sự phản cảm, mất cảm tình.

Có một số lập luận của Hippy Việt Nam là trong thời gian cuộc chiến lên mức căng thẳng, thanh nam nữ Việt Nam không có một hướng đi, nhất là thành phần thanh niên, họ sẽ phải đi ra chiến trường thì phải sống cuồng, hưởng thụ để mai này ra chiến trường không biết còn ngày trở về không? hay “anh trở về trên cây nạn gỗ”. Đó là một điều không may mắn cho những người trưởng thành của một đất nước đầy chiến tranh, nhưng chẳng ai làm được gì hơn, sống “trôi theo giòng đời”. Cho đến một ngày nhìn lại thì tất cả chỉ là một kỷ niệm mà thôi.

No comments: