Thursday 16 April 2009

Cảm nghĩ về âm nhạc thời nay

Tôi không biết gì về âm nhạc hết. Nghe một bài hát với giai điệu vui nhộn thì tôi nói bài đó vui quá đi, còn nghe bài hát với điệu buồn thì tôi buồn theo tiếng nhạc. Nên vậy việc nghe nhạc của tôi rất là đơn giản. Nhưng ngược lại tôi lại có nhiều cơ hội nghe các câu chuyện về nhạc Rock, Pop từ thập niên 1960 đến 1980 và tiếp xúc được vài nhạc sĩ Việt Nam tại hải ngoại, nhờ đó tôi cũng được các lời phê bình từ các nhà nhạc sĩ Việt Nam.
Cái chuyện tôi gần gũi với đời sống âm nhạc Rock và Pop của nước Anh là vì gần 10 năm tôi đi bán ngoài chợ trời, khu chợ này thu hút rất nhiều khách Hippy, y hệt là các hình ảnh trên đường phố San Francisco vào thập niên 1970, thanh niên để tóc dài và mặc quần ống loe. Tôi bán áo thung (T’ Shirt) một trong những mặt hàng bán chạy của tôi là áo in hình các ban nhạc Rock, Punk và Pop. vào thời đó tôi thuộc tên các ban nhạc vanh vách nhưng có nhiều ban nhạc tôi cũng chưa bao giờ biết họ hát như thế nào. Kế bên gian hàng của tôi là một gian hàng cũng bán nhạc Rock, Punk, New Wave, Pop... từ loại hàng mới , đến hàng cũ và cả hàng lậu nữa. Hàng lậu đây không phải là nhạc đang bán ở tiệm như Tower Record , đem về copy ra bán đâu, mà loại hàng các ban nhạc đang tập dợt trong Studio, không biết sao bị ăn cắp đem ra bán, bởi vậy có khi nghe được các tiếng đùa của các ca sĩ.
Sáng sớm mở cửa hàng là tôi phải bị nghe đủ loại nhạc rồi, vì vậy mà tôi theo dõi được các câu chuyện về làn sóng âm nhạc người Anh tấn công qua bên bờ Đại Tây Dương (là Hoa Kỳ). Ông nhạc sĩ Trần Quang Hải con của giáo sư Trần Văn Khê đã viết một bài rất hay về “ Swinging London in 1960’s” (nhún nhảy London ở thập niên 1960) bài đó hình đăng trên Tuyển Tập Nghệ Sĩ của Trường Kỳ.
Như đã nói tôi không biết gì về âm nhạc nhưng mỗi lần ở ngoài chợ , tiếng nhạc ở máy phát ra nghe tiếng tấu và giai điệu là tôi có thể đoán là ban nhạc nào đang hát. Còn nhạc Việt Nam thì tôi thấy rất là khó khăn nhận ra, ngay cả khi các nhạc sĩ Việt Nam chơi nhạc theo các điệu Nam Mỹ tôi thấy cũng khó nhận ra ngay điệu nhạc như Bolero, Chachacha... so với các đĩa nhạc mà chính nhạc sĩ Nam Mỹ trình bày.
Vào năm 1992, tôi có cơ duyên gặp nhạc sĩ Trần Quang Hải, tôi rất thích nghe ông Hải kể chuyện, với giọng miền nam mộc mạc, ông Hải kể chuyện rất duyên. Một câu chuyện ông ta kể mà tôi nhớ mãi là
Thuở bé ông ta rất thích sử dụng các nhạc khí như Piano, Violin... ông có ước mơ trở thành một nhạc trưởng, đứng trước một đại giàn nhạc cầm cái cây quơ lên quơ xuống để tiếng đờn, tiếng trống... đi theo ý mình. Khi qua tới Pháp, gặp một người thầy dạy nhạc người tây, ông Hải thuật lại giấc mơ của mình, thì người thầy đó nói tại bên Pháp cũng như toàn Châu Âu không biết bao nhiêu người có giấc mộng như ông và cũng nhiều học xong rồi chẳng bao giờ đạt được giấc mơ của mình cả, vậy thì một người á châu như ông có thể nghĩ là điều khiển được một giàn giao hưởng chăng. Nghe xong ông Hải chới với chưa biết tính sao, người giáo sư âm nhạc mới nói trong nhà ông có một vị sư gia âm nhạc đại tài thì sao không học ở ông ta. Đó là bố của ông, giáo sư Trần Văn Khê. Theo lời khuyên thì nay nhạc sĩ Trần Quang Hải có một đường lối riêng biệt, một tiết tấu độc đáo cho âm nhạc Việt Nam. Một điều tôi cảm thấy tự hào là khi vào tiệm nhạc lớn ở London, tôi đến quày chuyên bán nhạc quốc tế thì tìm ra được đĩa nhạc của vợ chồng là Quang Hải và Bạch Yến. Cũng như có một câu chuyện ngộ nghỉnh về nhà nhạc sĩ này là trước tôi có thằng bạn tên Thái sống ở Paris làm trong tiệm sửa máy computer, không ngờ tiệm lại gần nhà ông bà Hải, thì khi ông bà ta đem máy vào sửa thì thằng bạn tôi biết ông bà ta chứ ông bà Hải làm sao biết bạn tôi là ai. Qua nhiều lần sửa chữa thì quen nhau, nên khi có vấn đề trục trặc máy móc là ông bà ta cứ tìm thằng bạn tôi thôi. Nhiều lần như vậy những đồng nghiệp người Tây của bạn tôi mới tò mò hỏi cái ông này là ai và ông Hải là người rất giản dị nên Tây cứ nghĩ một người á châu lè phè mà thôi và không kiến thức gì. Bạn tôi mới đưa địa chỉ Website của ông Hải, nhóm Tây trẻ đọc xong phục ông sát đất vì tiến sĩ mà lại có cả Huy Chương Bắc Đẩu Bội Tinh nữa. Từ đó trở đi khi ông Hải vào tiệm là Tây cứ nhắc bạn tôi là ông Tiến Sĩ tìm bạn tôi đó.

Tôi chỉ nghĩ nền âm nhạc Việt Nam mình tạo ra được một tiết tấu nào đó thì chắc sẽ thu hút nhiều hơn. Hôm nay đọc được đoạn giải thích của nhạc sĩ Hồ Đăng Long, tôi rất thích giải thích của anh Long là dân tộc Việt Nam không phải nhảy múa thì không có nhiều tiết tấu. Nhìn vào dân tộc Phi Châu, họ sống từng bộ lạc chuyên nhảy múa nên loại nhạc Phi Châu có tiết tấu rất đặc sắc. Nghe là nhận cái hay của họ ngay, các vũ trường, ngay cả bên Việt Nam, họ mở nhạc nghe tưởng chừng loại nhạc thác loạn nhưng với tôi vẫn nghe ra rõ ràng tiếng đập trống ở bên bộ lạc Phi Châu.

Khi ngồi đọc các chuyện về âm nhạc thì tôi mới được biết tiếng nhạc dạo mở đầu của phim James Bond 007 là lấy từ tiết tấu của vùng biển Carribean, họ phân tích rất hay và mất nhiều công phu để thay đổi thành loại nhạc riêng cho James Bond và thành tiếng nhạc bất hủ từ phim DR No cho đến ngày hôm nay. Hay nhạc sĩ George Harrison của Beatles, một thời gian qua Ấn Độ theo tiết tấu bên đó nên có những loại bài như When My Guitar Gentle Sweep... Hay xem lại đoạn phim trình diễn của nghệ sĩ Jean Michell Jarr của Pháp thì nghe tiếng đàn organ độc đáo của ông khi đánh theo tiết tấu Trung Hoa và nhiều chuyện khác nữa.

Tôi luôn nể phục những ai đã bỏ tâm đến nền văn hóa Việt Nam, anh Hồ Đăng Long đã góp tay vào nền âm nhạc Việt Nam là điều vô cùng đáng quí. Tôi mong một ngày nào nền âm nhạc của mình ngày càng phong phú có những loại nhạc có tiết tấu cho mọi hoàn cảnh và cho các chủ đề như tiệc sinh nhật, tiệc cưới, tang lễ, thiếu nhi, lễ tốt nghiệp, thể thao....
Tôi là người không biết gì âm nhạc nên những gì tôi kể ra chẳng qua câu chuyện được nghe và thêm những cảm giác của mình mà thôi.

No comments: