Thursday 16 April 2009

Nói Về Sài Gòn

Khi người Pháp cai trị Việt Nam, họ đã làm cho Sài Gòn trở thành thành phố đẹp nhất Viễn Đông. Ban đầu thì chỉ có mỗi Sài Gòn, đến năm 1937 Chợ Lớn sát nhập vào Sài Gòn làm nên đô thành Sài Gòn và Chợ Lớn. Tính đến năm 1954, Sài Gòn - Chợ Lớn chỉ có 300 trăm ngàn dân trong đó Chợ Lớn chiếm 140 trăm ngàn dân.
Sau khi Pháp thất trận Điên Biên Phủ, thực lực của Pháp yếu đi nhiều, không còn đủ khả năng chiếm đóng các xứ thuộc địa và người Pháp phải ngậm ngùi ra đi khỏi Sài Gòn. Chánh phủ Ngô Đình Diệm được thành lập. Sự thành công của nhà họ Ngô là tái định cư cho 1 triệu dân từ Bắc vào nam, dẹp được các loạn đảng như Bình Xuyên, thu phục được tướng Trịnh Minh Thế và không còn sự chống đối của Cao Đài và Hòa Hảo.
Đến năm 1956, xã hội miền nam bắt đầu bước một không khí an bình, chánh phủ Ngô Đình Diệm ra nghị định là sát nhập Sài Gòn Chợ Lớn là một.
Năm 1960, chánh phủ Ngô Ðình Diệm giao cho kiến trúc sư Ngô Viết Thụ soạn thảo qui hoạch tổng mặt bằng Sài Gòn và Chợ Lớn, trung tâm của qui hoạch là một công trình kiến trúc nằm ở trục nối Sài Gòn-Chợ Lớn bao gồm những tòa nhà thẳng tắp hoặc có đường nét răng cưa to lớn, hoành tráng.
Dự án vĩ đại nầy biểu thị tinh thần Quốc gia của miền Nam Việt Nam sau khi giành lại chủ quyền từ Pháp, như là chỗ dựa để đối trọng với Cộng Sản Hà Nội.
Nhưng vì không có kinh phí nên chỉ có một số công trình được thực hiện như: xa lộ Biên Hòa, cầu Sài Gòn, Dinh Ðộc Lập, Thư Viện Quốc Gia, Binh Viện Thống Nhất
(Huê Kỳ viện trợ), bịnh viện Chợ Rẫy (Nhựt bồi thường chiến tranh), khách sạn cao cấp Cravelle, Palace và một số công trình tượng đài anh hùng dân tộc được xây dựng ở địa bàn Sài Gòn-Chợ Lớn.

Những kiến trúc sư Việt Nam lừng lẫy như Ngô Viết Thụ, Tô Công Văn, Phạm Văn Thắng, Nguyễn Quang Nhạc (đố án Ngân hàng Tín Dụng, Viện Trao đổi văn hóa Pháp, khách sạn Arc-en-Ciel), Nguyễn Hữu Thiện (đồ án Thư viện Quốc Gia), Nguyễn Bá Lăng (đồ án Chùa Vĩnh Nghiêm)... góp phần làm cho bộ mặt đô thành Sài Gòn hiện đại, kết hợp Âu-Mỹ, nhưng vẫn giữ được phong thái Việt Nam.
Những công trình kiến trúc của tư nhân qua các thời kỳ cũng góp phần làm cho đô thị Sài Gòn không đơn điệu, nghèo nàn và lạc hâu như Hà Nội.
Trong đó có công trình xây cất Chùa Xá Lợi, Chùa Ấn Quang, Việt Nam Quốc Tự; Bịnh viện Sùng Chính; Chợ Bình Tây của Quách Ðàm; Nhà Chú Hỏa của Hứa Bồn Hoa; Cầu Nhi Thiên Ðường của Lâm Thọ Vinh, Ngân hàng Nam Việt của Lý Long Thân, nhà máy xà bông Việt Nam của Trương Văn Bền, hãng kem đánh răng Hynos của Vương Ðạo Nghĩa; Rap hát Ðại Nam, Eden, Hoàng Cung, Palace, Thủ Ðộ... của Trương Vĩ Nhiên; Trường đua ngựa Phú Thọ (1932); hãng bào chế thuốc tây của La Thành Nghệ, Nguyễn Thị Hai v.v...

Sau năm 1975, vật đổi sao dời, những công trình xây cất của Sài Gòn bị rơi vào tình trạng không được nhắc tới lý lịch chẳng hạn quyển kỷ yếu trường Sư Phạm Thực Hành, 5 năm một chặng đường, không hề nhắc đến lai lịch của trường. Còn những công trình đáng nhẻ được trở thành điểm thu hút du khách quốc tế như Nghĩa Trang Mạc Đỉnh Chi mà bị phá hủy để thành công viên Lê Văn Tám, mà cái công viên này không có một hữu dụng cho thành phố. Rạp Đại Nam không còn nữa, bệnh viện Sùng Chính ngày càng xuống cấp còn Viện Hóa Đạo nghe đâu sẽ bán cho người Mã Lai.

Như nói trên Sài Gòn xưa kia mật độ dân số rất là thấp nhưng Sài Gòn ngày hôm nay trở nên vô cùng chật chội. Vào năm 1996, chỉ mất khoảng 20 phút từ chợ Bến Thành đi Taxi ra phi trường Tân Sơn Nhất, nhưng giờ thì phải mất đến 50 phút hay 1 tiếng. Rất nhiều nguyên nhân gây ra sự chật chội, nhưng cái chính là quy hoạch đô thị. Lấy ví dụ đơn giản là xây nhà cao từng, theo lời nói của một người thân của Quân như sau:

Khi cho xây nhà cao tầng trong khu trung tâm, mật độ dân số sẽ tăng cao, phải tốn nhiều tiền và công sức để nâng cấp hạ tầng, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh xã hội, ô nhiễm môi trường... mà hậu quả khó có thể lường trước được. Đừng làm cho khu chật chội càng chật chội hơn.

Quy hoạch đô thị TPHCM cần phải nhìn tương lai trung và dài hạn, không thể nhìn cái lợi ngắn hạn. Tôi không ủng hộ chuyện đập nhà năm tầng để xây nhà 10 tầng, rồi đập và xây nhà 20 tầng... đập và xây 60 tầng. Việc đập nhà và xây mới cao hơn, đẹp hơn có thể có lợi cho nhà đầu tư, nhưng nhìn tổng thể, việc đập nhà là không có lợi cho kinh tế xã hội; đó là chưa nói đến chuyện đánh mất đi ký ức của đô thị, lịch sử quá trình tiến hóa của đô thị
.”

Bây đi vào sinh hoạt giải trí của Sài Gòn. Trước hết nói về quán Cà Phê vì đây là nét đặc trưng của Sài Gòn xưa và nay. Ngày xưa quán La Pagode ngoài đường Tự Do là nơi họp mặt của giới văn sĩ Sài Gòn như Nguyên Sa, Thái Thủy, Thanh Nam, Mai Thảo, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan… những vị này người còn người mất hay đã đi ngoại quốc rồi. Còn giới nghệ sĩ hay lại quán 27 Nguyễn Thị Diệu, trước và sau 1975 các vị nghệ sĩ hay đến là Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Sĩ Phú….
Vì hình ảnh đẹp đó nên nhiều người rời Việt Nam lâu năm thường hay mong về Sài Gòn uống ly cà phê. Hình ảnh đó đẹp lắm chứ, nhưng nay Sài Gòn hiện lên vô số quán cà phê , đi đâu cũng thấy quán mang những cái tên rất gợi cảm như : Chiều Tím, Chân Mây, Tình Đầu, Thiên Thai… nhưng cũng có những quán nghe tên khá quái đản như Thằng Bườm, Thằng Mõ, Đen, Phê… rồi những tên rất là tây là MGM, Highland, Window 1, 2 … chắc có ngày sẽ có quán VISTA. Rồi có quán ăn kế theo tên nghệ sĩ là Văn Cao. Còn một loại quán mà không thể bỏ qua là quán cóc, quán vỉa hè, quán bụi, quán bốn bề là gió , quán 3 không là (không mái, không gái, không nhạc). Giờ đi ra gần Nhà Thờ Đức Bà, đối diện dinh Độc Lập vào sang sớm là các em sinh viên ngồi quán bốn bề là gió. Quán cà phê có tuổi đời cao nhất là quán ở đường Nguyễn Phi Khanh, kế bên cạnh rạp Cầu Bông (Casino Dakao), có từ khoảng vào năm 1953, trên nửa thế kỷ vẫn còn tồn tại. Quán không có tên, nhưng ngày xưa mang tên là Thái Chi, đây là tên bà chủ, bà ta là vợ của một quan lớn thời xưa. Bà mất trước năm 1975 và sau đó con cháu vẫn tiếp tục bán cà phê đến ngày nay….

No comments: