Thursday 16 April 2009

Ngôn Ngữ - Phần 2

Vâng, chị nói đúng những người sống tha hương như chị em mình luôn trân trọng tiếng mẹ đẻ, nhất là thuộc thế hệ thứ 1 thì càng quí tiếng xứ mình. Có nhiều nguyên nhân nhưng nhìn theo góc cạnh khôi hài là thế hệ thứ nhất khi đi định cư một quốc gia nào trên thế giới thì phải học tiếng xứ đó chẳng hạn tiếng Anh hay tiếng Pháp hoặc tiếng Đức… học cố tới mấy lúc nói chuyện với người bản xứ thì mình phát âm y như là tiếng mẹ đẻ (tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Việt nên mình nói tiếng Anh y như tiếng Việt). Hoặc nghĩ lại mấy ông Hoa Kiều Chợ Lớn nói tiếng Việt như thế nào thì chắc mình nói tiếng Anh cũng hơn mấy ông đó bao nhiêu.
Thêm nữa, Quân chú ý khi qua mình qua đây là cố gắng đi học, nếu dở thì mấy cái bằng học nghề, còn giỏi là lên tận Tiến Sĩ, nếu người nào chọn nghành văn chương, sử học, nghệ thuật… thì luôn cái đề tài hướng nội, như nói về Kiều, kinh tế Việt Nam thời Pháp thuộc , chiến tranh Việt Nam… hình như chọn đại loại các đề tài đó, lúc viết đề án rồi ra bảo vệ dễ hơn, khi bị các ông giáo sư hạch hỏi thì trả lời xuông sẽ. Quân cũng quen một ông, ngày xưa ông ta dạy học trường Hàng Hải Nha Trang, mà ông này thuộc loại gàn bát sách, chống chế độ Việt Nam tối đa nhưng chỉ dám ở bên đây chống thôi. Có điều ông ta chịu khó học lắm, qua đây học một lèo lên học Tiến Sĩ về nghành Toán. Mà khi ra đề án Tiến Sĩ ông ta chọn một thứ không hoàn toàn hướng Việt Nam mà hướng về Tàu luôn là ông dung kinh dịch Tàu để chứng minh số Không ( 0 ) có âm dương ngũ hành, bát quái tứ tượng, từ đó vận dụng công thức đó để thành công phương pháp người đưa thư. Vì từ xưa đến giờ phương pháp này không áp dụng hoàn chỉnh là vì những thành phố như London, hay Paris hoặc Rome ngay cả Sài Gòn là nhà xây trước khi làm đường, thì bao nhiêu công thức cũng không giải quyết là cách nào đưa thư nhanh chóng. Ngay cả Sài Gòn dù sau này có phát triển tới mấy thì đặt ống gas đến từng nhà là chuyện khó thực hiện. Vậy mà ông người quen của Quân nói là làm được nếu biết ra làm ra những phương trình, đến chỗ khó khăn thì sử dụng số Không. Ong ta giải thích lý luận kinh dịch, Quân chẳng hiểu gì hết, mà chỉ thấy y như truyện Anh Hùng Xạ Điêu tới đoạn Hoàng Dung đố bà Anh Cô mấy bài toán ngũ hành. Tất nhiên mấy ông Giáo Sư người Anh đâu chịu lý luận đó nên hơn 10 năm qua ông này vẫn không được bằng Tiến Sĩ.
Rồi nói về tụi nhỏ hơn ở hải ngoại cũng hướng nội, như cô bé Quỳnh Anh gì đó không nói nhiều tiếng Việt nhưng bài hát Bonjour Viet Nam thì cũng mang màu sắc quê hương. Các bạn trẻ chọn về nghành nhiếp ảnh là cũng chọn chủ đề về cội nguồn để qua đây triển lãm.
Ngược lại thì trong nước thì hướng ngoại nhiều hơn. Nhất là các quốc gia chậm phát triển thì cách nói chuyện càng bị lây tây. Có một lần nói chuyện với Bác Tuân tại London, bác đưa một quan điểm rất là lý thú mà Quân nhớ hoài. Bác nói ngày xưa người ta ủng hộ Tư Lực Văn Đoàn, đả phá phong kiến, các lý toét xã xệ, nhưng đi quá đà luôn là phá luôn tuần phong mỹ tục, phải tây hóa, ăn mặc theo tây và sau này thì lại trở lại cuội nguồn. Như các ông lảnh đạo nhà nước chê bai phong cách quan lại của ông Diệm nhưng giờ thì lại ăn mặc áo dài khăn đóng, mà có những bộ loè loẹt hơn.
Quân hay đi quay phim cưới, Quân chú ý các lễ cưới Việt Nam tại hải ngoại, nhất là gia đình từng lớp trí thức, hay người con lấy người tây phương thì đám cưới đầy bản sắc Việt Nam, chú rễ là áo dài khăn đóng, đầy đủ mâm quả hỏi vợ nhưng ngôn ngữ nói chuyện của đám nhỏ là tiếng bản xứ. Ngay cả Việt Kiều về Việt Nam lấy vợ là sáng đi rước dâu là phải mặc áo dài khăn đóng (hồi Quân về VN lấy vợ cũng vậy mà).
Còn những gia đình mà chỉ nó được tiếng Việt thì phần đông đám cưới ăn mặc phải là đồ tây, không có một chút gì Việt Nam cả. Thường khi đến những đám cưới này, Quân thường hay nghe được dặn là quay đẹp nha vì đám cưới hoành tráng lắm. Mới nghe tưởng là một lễ nghi trọng đại nhưng một lát là một chục chiếc xe Limousine, rồi đám khách ăn mặc loè loẹt đồ tây, các cô gái thì tóc vàng, tóc nâu, đi vào đón dâu nói chuyện bằng tiếng Việt duy nhất, còn phần lễ nghi cưới hỏi chẳng bao giờ có, nhìn như một gánh xiệc và chữ hoành tráng mình phải hiểu là thu hết 10 chiếc xe Limo vào ống kính.
Chị nói đúng là mình nên dể dãi trong vấn đề ngôn ngữ , vì khó quá mai mốt chẳng đứa nhỏ nào nói tiếng Việt với mình cả. 10 năm trước Quân có đi học khóa dạy tiếng mẹ đẻ , phải viết 6 bài tiểu luận, trong đó có một bài Quân viết là “Kẻ mạnh thì tồn tại”. Quân nêu ra vấn đề là nếu quốc gia đó hùng mạnh, văn hóa sẽ phát triển thì ngôn ngữ sẽ được đám trẻ hưởng ứng. Quân đi hỏi hơn chục đứa Việt Nam sang đây hồi 3 hay 4 tuổi, tiếng Việt tụi nó không giỏi cho lắm. Hỏi là nếu tiếng Việt là một tiếng tương đương như tiếng Anh, Pháp , Nhật , Đức… thì các em có bỏ công học không. 80% trả lời sẽ học.
Thật mà nói cái gì cũng có phần quyền lợi trong đó. Hơn 15 năm trước có người giới thiệu Quân dạy tiếng Việt cho một thằng Anh gốc Do Thái. Nó làm nghề đi tìm người đóng phim trong nghành điện ảnh, như các phim chiến tranh Việt Nam, lúc Mỹ thả bom dân chết , vậy phải kiếm người đóng vai dân, hay phim Universal Soldiers, mới vào phim có ca sĩ Thái Tài, đóng vai dân lành, bị bắn đùng chết , xong chuyện.
Nó tới nhà Quân học giờ đầu có vẻ chăm chỉ lắm, chịu học A, B, C… rồi đánh vần bờ a ba , mờ a ma sắc má, em xờ em xem… qua giờ thứ hai thì đổi ngược là thằng dạy tiếng Việt nghe thằng Do Thái kể chuyện tiếng Anh. Chẳng qua nó đang yêu một em gái Hải Phòng, con bé này cũng mê đóng phim nên nó chuyên đi tìm các hang phim cần thuê người Việt Nam. Mà gia đình con bé này không cho nó yêu cái dân tộc đã từng bán Chúa Jesu, thế là nó thất tình, giờ nó muốn chứng minh là tình yêu không biên giới từ văn hóa, ngôn ngữ và cho đến ngoại hình cao thấp nữa. Nó nhất quyết đi học tiếng Việt, mà không hiểu sao cái quyết tâm của nó làm Quân trở thành người tâm sự của nó. Mỗi tuần nó lại nhà trả tiền tâm sự sau đó bắt Quân viết thư tiếng Việt đến bố mẹ con bé. Cho tới một ngày nó đến nhà Quân khóc hu hu… là con bé cùng gia đình về Việt Nam chơi rồi và sẽ thay đổi địa chỉ. Thế là tình nghĩa thầy trò của Quân và nó cũng dứt luôn. Cho đến năm 1999, Quân gặp nó bất ngờ ngoài đường thì nó cười hề hề, nói là có vợ Việt Nam rồi, cũng Hải Phòng nhưng cô khác, về Việt Nam lấy và bây giờ nó cũng đổi nghề làm nghề bán vali ngoài chợ trời. Nhưng tiếng Việt của nó cũng chẳng khá hơn xưa, giờ có vợ Việt Nam thì vợ phải lo học tiếng Anh thôi.Thôi tới đây Quân cũng nên dừng vì đã liên miên quá nhiều . Viết riết chuyện ra ngoài đề tài. Lần sau đổi qua chủ đề khác nha chị

No comments: